Các "Triệu phú tuổi 30" có mặt trên tất cả mọi miền tổ quốc từ đồng bằng đến rừng núi... trình độ khác nhau có thể là công nhân, sinh viên, nông dân... có người ở đô thị, người là dân tộc thiểu số... Nhưng khi bắt tay vào khởi nghiệp, các triệu phú đều có điểm chung: thiếu vốn, thiếu kiến thức, không có thị trường, thiếu người hợp tác và định hướng, gánh chịu những vướng mắc về cơ chế và tiêu cực xã hội... Nhưng họ đã thành công bằng một lợi thế của tuổi trẻ và lòng quyết tâm khởi nghiệp làm giàu.
Cần nhiều hình thức tôn vinh và khuyến khích bạn trẻ lao vào kinh doanh.
Làm giàu: nhu cầu của bản thân, gia đình, cộng đồngĐoàn Văn Đoàn nay vừa tròn 30 tuổi, làm chủ một xưởng cơ khí có uy tín ở Biên Hoà - Đồng Nai với quy mô gần 40 công nhân và doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Quê gốc ở Nam Định, năm 1994, anh Đoàn tình nguyện nhập ngũ. Năm 1996, xuất ngũ, trở lại cuộc sống đời thường không đồng tiền phòng thân, không có nghề để xin việc, không có ai đỡ đầu... Đoàn đã tham gia đội quân làm thuê và làm thêm đủ nghề khác để kiếm sống. Chật vật với miếng ăn hàng ngày nhưng Đoàn vẫn cố gắng dành thời gian và kinh phí để theo học một lớp tài chính kế toán. Anh suy nghĩ đơn giản rằng, “muốn làm ăn chân chính, tạo lập cuộc sống ổn định lâu dài không gì hơn là phải có nghề, có kiến thức”.
Cuối năm 1999, vừa phải làm thêm kiến sống, vừa lo đi học; đối mặt với cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, Đoàn nghĩ rằng đời sống gia đình sẽ không thể khá lên nếu lao động chính như anh vẫn mãi đi làm thuê. Thế rồi, Đoàn quyết định chuyển hướng sang mở xưởng cơ khí đáp ứng nhu cầu của người dân và các cơ sở sản sản xuất, xây dựng ngay tại Biên Hoà.
Làm phải có vốn nhưng bản thân và gia đình không đủ, anh xoay sang vay mượn mới gom được 12 triệu đồng để khởi nghiệp. Số vốn quá ít so với nhu cầu một xưởng cơ khí nhưng anh vẫn quyết tâm thuê mặt bằng để bước vào sản xuất kinh doanh.
Năm đầu tiên, xưởng cơ khí Đức Thành của Đoàn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu vốn, thiếu máy móc, công nhân chưa thạo nghề, khách hàng cũng chưa tin tưởng vào xưởng cơ khí nhỏ do một người mới vào nghề làm chủ. Anh Đoàn nói: "mục đích là mở xưởng để tạo thêm thu nhập cho gia đình nhưng ngày đầu sản xuất khó khăn có những lúc tưởng không đứng vững nổi. Nhà đã khó, cứ nghĩ đến việc gánh thêm món nợ do làm ăn thất bại mà cứ rùng mình".
Thiếu vốn, thiếu kiến thức... nhưng không
thể thiếu khát vọng để biết nắm bắt những cơ hội nhỏ nhất.
Nhưng rồi, bằng nỗ lực không mệt mỏi của bản thân cộng với sự giúp đỡ của nhiều người xưởng cơ khí Đức Thành của Đoàn đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, dần tạo được uy tín với khách hàng. Năm 2000, anh Đoàn quyết định mở rộng xưởng sản xuất của mình. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đoàn có khoảng 40 công nhân, thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng/người, với hai ngành nghề chính là cơ khí và xây dựng.
Không chỉ kinh doanh mà cơ sở của anh Đoàn còn là nơi dạy nghề cho các thanh niên cùng cảnh ngộ. Học nghề ở xưởng của anh mọi người không mất học phí lại còn được hỗ trợ trong thời gian học tập. Những người xuất sắc sẽ được giữ lại làm việc tại xưởng và được trợ giúp 2 triệu đồng để đi làm.
Quy mô còn nhỏ, nhưng anh Đoàn luôn cảm thấy mình may mắn vì đã chọn đúng hướng đi để thoát nghèo và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và giúp đỡ cộng đồng. Với mọi người, anh được tôn vinh là "Triệu phú tuổi 30" không chỉ vì thành tích sản xuất kinh doanh mà hơn hết là tinh thần dám chấp nhận khó khăn để vươn lên bằng con đường kinh doanh.
Tìm cơ hội ngay trên quê nghèoTốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Hoàng Minh Tiến sinh năm 1978 không đi xin việc vào các cơ quan, doanh nghiệp như các bạn bè cùng lứa, anh cũng không tìm đến những trung tâm kinh tế, khoa học lớn để thử sức và quyết quay về quê để lập nghiệp với tài sản lớn nhất là sức khoẻ và tri thức được học.
Miền quê Vụ Bản - Nam Định của Tiến sản xuất hãy còn nặng tính thuần nông, quy mô nhỏ lẻ nên khi một sinh viên vừa mới ra trường đặt vấn đề xin thuê hàng ngàn m2 đất, vay hàng trăm triệu đồng đề lập trang trại chăn nuôi theo quy trình khép kín, công nghệ cao thì ai cũng cho là "liều".
Mà đúng là "liều" thật, với 7.000 m2 đất, Tiến tiến hành xây dựng một trại gà thương phẩm quy mô 4.000 con, nuôi theo phương pháp công nghệ cao, một ao nuôi thuỷ sản 500 m2, vườn cây công nghiệp... số vốn đầu tư hạ tầng lên đến 487 triệu đồng. Nhập con giống, thuốc phòng bệnh mất gần 260 triệu. Gần 800 triệu đồng chủ yếu là vốn vay để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đầy rủi ro mà nguồn thu ban đầu chỉ từ việc bán trứng gà thương phẩm.
Trái với những lo lắng của nhiều người, với kiến thức vững vàng đã được học, bài toán kinh tế được tính toán cẩn thận nên Tiến rất tin tưởng và mạnh dạn đầu tư lớn cho kế hoạch của mình. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn gà đã cho trứng với năng suất rất cao, 4.000 còn gà mỗi tháng anh thu lợi khoảng 13 triệu đồng, mỗi năm gần 160 triệu đồng. Vì thế, Tiến cho biết "chỉ sau 3 năm kinh doanh thuận lợi đã thu hồi được vốn xây dựng cơ bản ban đầu. Bên cạnh đó, nguồn thu từ cá, cây công nghiệp ngắn ngày cây cảnh đã giúp Tiến sớm thu hồi được vốn đầu tư chỉ sau hơn 3 năm triển khai.
Không dừng lại, Tiến đang có dự định phát triển trang trại của mình lên gấp 2 -3 lần, mở rộng lĩnh vực nuôi trồng và thành lập một công ty để mở rộng sản xuất kinh doanh thêm các ngành như: thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, lo đầu ra cho sản phẩm... đảm bảo từ đầu vào cho đến đầu ra của sản xuất, giảm chi phí kinh doanh. Công ty Minh Hoàng của Tiến thành lập từ cuối năm 2004 đến nay đã có doanh số lên đến hàng tỷ đồng, tập hợp đầy đủ lực lượng là bác sỹ thú y, kỹ sư nông nghiệp, nhân viên kinh doanh, công nhân... đảm bảo phục vụ tốt cho việc chăn nuôi và kinh doanh của trang trại.
Mạo hiểm đầu tư vào nông nghiệp ngay trên mảnh đất nghèo quê nhà. Đến nay, Tiến là điển hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, chuyên môn hoá, hiện đại hoá cho bà con nông dân. Không giữ thành công cho riêng mình, Tiến đã thành lập một "Câu lạc bộ khuyến nông thanh niên" để biến kiến thức khoa học, thị trường cho bà con nông dân trong vùng phát triển chăn nuôi là vươn lên làm giàu.
Quyết tâm làm giàu giúp bạn vượt mọi khó khănTrong những "Triệu phú tuổi 30" rất nhiều người bắt đầu với vô vàn khó khăn, hầu hết là tay trắng đi lên. Họ là những người không vốn, không sự trợ giúp nào về khoa học, kỹ thuật, thậm chí không được học hành đầy đủ, không có kiến thức về lĩnh vực mình định kinh doanh, nhưng họ đã vượt qua tất cả để thành công với sức mạnh duy nhất là lòng quyết tâm và không ít người đã thành công bằng sự mạo hiểm của tuổi trẻ.
Vượt qua những khó khăn, bạn sẽ nắm bắt được cơ hội.
Anh Hoàng Văn Điền quê vùng chiêm trũng Yên Mô - Ninh Bình, nhà làm ruộng từ nhỏ, không được học lên cao, bao vất vả với bùn đất và biết làm ruộng dù có canh tác tốt cũng chủ đủ gạo ăn nên anh quyết tâm đổi nghề.
Muốn chuyển sang một hướng kinh doanh khác anh vấp phải cái khó như bao bạn trẻ là không biết: làm cái gì, vốn ở đâu, làm như thế nào. Sau khi suy tính, anh Điền nghĩ trồng lúa thì không ổn mà chỉ có cách phát triển chăn nuôi quy mô lớn.
Không có kiến thức về chăn nuôi anh bỏ rất nhiều thời gian tham quan các mô hình chăn nuôi thành công ở các địa phương khác, mua sách về tham khảo. Không có vốn thì đi vay, không có tài sản thế chấp thì vay ít làm quy mô nhỏ rồi nhân dần lên. Mất 4 năm, mới trả hết nợ ngân hàng, rồi tích luỹ được nguồn vốn riêng và tự tin mở rộng chăn nuôi quy mô lớn.
Từ năm 2002, anh Điền bắt đầu mở rộng trang trại chăn nuôi của mình. Ngay năm đầu tiên, anh Điền đã cung cấp ra thị trường gần 20 tấn lợn, 2,5 tấn gà… mang về lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Đến năm 2004, lợi nhuận thu về hơn 135 triệu đồng. Đồng thời, anh Điền mở rộng các dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y… Đặc biệt, anh quyết định đầu tư 350 triệu đồng để cho các hộ trong xã mua thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm, tư vấn kỹ thuật cho nông dân... Từ đó, nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả tiếp tục ra đời góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Anh Điền trở thành người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế trên vùng quê chiêm trũng Yên Mô - Ninh Bình.
Tương tự, anh Lý Cấm Sáng – dân tộc Dao – Hà Giang cũng đã vượt qua những khó khăn về thiếu vốn, không có cơ hội, thiếu kiến thức, thiếu thị trường để bước vào kinh doanh với mô hình trang trại đồi rừng thu nhập 50 triệu/năm. Anh Hoàng Văn Việt – huyện Cư Jut - Đắc Nông trồng cà phê, kết hợp chăn nuôi thu nhập 250 triệu đồng/năm.
Giờ đây những thanh niên này không chỉ làm giàu cho mình mà là người đột phá về cách nghĩ, cách làm thay đổi quan niệm, mô hình cũ tạo sự đổi mới cho quê hương và cộng đồng dân tộc mình.
Có thể xét về lợi nhuận, về quy mô kinh doanh những "Triệu phú tuổi 30" chưa thể có trong tay hàng chục tỷ đồng tiền vốn, hàng trăm, ngàn công nhân, lợi nhuận chưa nhiều nhưng kể lại câu chuyện của họ để thấy khởi nghiệp kinh doanh có muôn vàn thách thức. Nhưng thách thức lớn nhất là bạn có đủ quyết tâm để vượt qua những khó khăn, sợ hãi đó không. Những triệu phú hôm nay đã bắt đầu từ tay hai bàn tay trắng nhưng họ có quyết tâm, dám mạo hiểm và họ đã thành công từ những bước đường khó khăn nhất. Và có thể, câu chuyện của họ sẽ củng cố thêm niềm tin cho những ai chuẩn bị khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh.
Đông Hiếu