Từ tháng 8-2011, do chi phí bến bãi tăng nên giá vé taxi từ Sân bay Cam Ranh (SBCR) về TP. Nha Trang đã tăng lên 380.000 đồng/chuyến (trước đó là 320.000 đồng). Mới đây, Công ty Cảng Hàng không quốc tế (CTCHKQT) Cam Ranh lại tổ chức dịch vụ bán vé taxi bất chấp sự phản đối của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ này. Lợi ích đến đâu chưa thấy, nhưng đã có DN tính đến chuyện tăng giá vé taxi nếu như phải tham gia dịch vụ này!
Giá taxi cao vì tiền thuê bến bãi tăng cao?Những ngày gần đây, nhiều khách du lịch đến Khánh Hòa bằng đường hàng không đã gọi điện đến Báo Khánh Hòa phản ánh giá taxi từ SBCR về Nha Trang của cả 3 hãng: Airport, Mai Linh và Quốc Tế tăng cao một cách bất thường, từ 320.000 đồng/chuyến lên 380.000 đồng/chuyến. Điều bất cập nữa, cả 2 dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ đều phải chịu chung một mức giá như trên. Đâu là nguyên nhân của những vấn đề này?
Đại diện các hãng taxi: Mai Linh và Quốc Tế đều cho biết, việc giá taxi chặng SBCR - Nha Trang tăng là vì chi phí thuê bến bãi tăng. Cụ thể, ông Đào Thanh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách vận tải của Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên (NTB-TN) cho biết, ở phiên đấu giá nhượng quyền kinh doanh taxi lần trước, Công ty đã trúng thầu lô số 2 (10 chỗ đậu xe) với số tiền 20,2 triệu đồng/tháng (giá khởi điểm 12,5 triệu đồng/tháng, tức là 1,25 triệu đồng/xe). Thế nhưng, đến lần đấu giá mới nhất vào cuối tháng 7-2011, CTCHKQT Cam Ranh đã đưa mức giá khởi điểm cho lô số 2 và số 3 (15 chỗ) lên hơn 36 triệu đồng/tháng, tức hơn 2,4 triệu đồng/xe; lô số 1 luôn được dành cho Airport taxi của Công ty Cổ phần Thương mại Hàng không Cam Ranh (thành viên của Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung - CHKMT). Sau khi đấu giá, taxi Mai Linh đã trúng thầu lô số 3 với mức giá 36,6 triệu đồng/tháng, taxi Quốc Tế trúng lô số 2 với mức 37,2 triệu đồng/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng và phí quản lý bến bãi 2 triệu đồng/tháng). Ông Trần Thế Bình - Giám đốc Kinh doanh Hãng taxi Quốc Tế cho biết, ở hợp đồng nhượng quyền kinh doanh lần trước, mỗi xe taxi của hãng Quốc Tế chịu phí bến bãi hơn 1,93 triệu đồng/tháng; đến hợp đồng lần này, mỗi xe chịu phí bến bãi 2,86 triệu đồng/tháng. “Với mức chi phí bến bãi tăng cao như vậy, chúng tôi buộc phải tăng giá taxi thêm 60.000 đồng/chuyến” - ông Bình bày tỏ. Theo ông Tuấn và ông Bình, giá taxi chặng SBCR - Nha Trang tăng cao nhưng vẫn còn rẻ hơn nhiều so với việc tính tiền theo kilômét (khoảng 500.000 đồng).
Công ty Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã thực hiện bán vé taxi trở lại từ ngày 1-9.
Trả lời cho câu hỏi vì sao giá cho thuê bến bãi tăng cao, ông Lương Văn Thảnh - Giám đốc CTCHKQT Cam Ranh cho biết, giá nhượng quyền kinh doanh taxi ở SBCR được đưa ra trên cơ sở đã tham khảo giá ở các sân bay quốc tế: Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Nội Bài (Hà Nội) và Đà Nẵng. “Là chủ sân bay, chúng tôi có quyền ra giá, còn việc tham gia đấu thầu là trên tinh thần tự nguyện của các hãng taxi” - ông Thảnh nói.
Đại diện cả 2 hãng taxi: Mai Linh và Quốc Tế đều thừa nhận việc cả 2 dòng xe 7 chỗ và 4 chỗ đều có chung một giá là điều bất cập. Theo ông Tuấn, giá trị đầu tư của xe 4 chỗ thấp hơn so với xe 7 chỗ, xe 4 chỗ cũng ít tiêu hao nhiên liệu hơn, phí ra vào sân bay thấp hơn so với xe 7 chỗ… nên về nguyên tắc, giá taxi 4 chỗ phải thấp hơn khoảng 10%. Ông Tuấn và ông Bình cho biết, tại cuộc hiệp thương về giá taxi, đại diện của 2 hãng này đã đề nghị tách giá giữa 2 dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ, nhưng phía hãng taxi Airport và CTCHKQT Cam Ranh đã đề nghị một giá để khỏi rắc rối. Sau khi bàn bạc, cả 3 hãng taxi đã thống nhất 2 dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ đều có chung một giá như trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Thảnh cho biết, ông không trực tiếp dự buổi hiệp thương nên không tường tận sự việc. “Hiện nay, các sân bay: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng… đều áp dụng một giá chung cho cả 2 dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ. Do đó, chúng tôi cũng muốn thực hiện như vậy để tránh rắc rối trong việc niêm yết, tính giá cước taxi. Nếu khách hàng không hài lòng, sang năm, khi hiệp thương về giá chúng tôi sẽ thay đổi điều này” - ông Thảnh bày tỏ.
Có cần thiết phải bán vé taxi?Trong tình cảnh giá bến bãi tăng cao, tình hình kinh doanh của các hãng taxi rất khó khăn, mới đây, CTCHKQT Cam Ranh lại “làm khó” DN bằng việc tổ chức bán vé taxi ở SBCR. Ông Trần Thế Bình cho biết, tháng 12-2010, khi tổ chức đấu thầu nhượng quyền khai thác taxi tại SBCR lần trước, Hội đồng đấu giá (thuộc CTCHKQT Cam Ranh) chỉ thông báo có 2 hãng taxi: Nha Trang và Aiport đang thực hiện hợp đồng đến hết tháng 7-2011; không thông báo 2 hãng taxi: Nha Trang và Aiport đang thực hiện hợp đồng bán vé trong khu nhận hành lý của khách. Chính vì vậy, tháng 3-2011, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Quốc Tế (chủ Hãng taxi Quốc Tế) đã có công văn gửi Tổng Công ty CHKMT và CTCHKQT Cam Ranh để phản ánh vụ việc. Ngay sau đó, Tổng Công ty CHKMT đã có công văn yêu cầu CTCHKQT Cam Ranh “không tổ chức bán vé taxi cho các hãng taxi trong ga đến. Riêng đối với 2 hãng taxi: Nha Trang và Airport thì thực hiện cho hết hợp đồng hiện nay, đến đầu tháng 8-2011”.
Khi tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng nhượng quyền kinh doanh taxi tại SBCR vào cuối tháng 7-2011, CTCHKQT Cam Ranh không hề đả động gì tới việc bán vé taxi. Khi hợp đồng mới có hiệu lực (từ ngày 1-8-2011), CTCHKQT Cam Ranh cũng đã chấm dứt việc bán vé taxi, để 3 hãng taxi: Airport, Mai Linh và Quốc Tế cạnh tranh bình đẳng với nhau về chất lượng dịch vụ trên một mặt bằng giá như nhau. Thế nhưng, ngày 24-8, CTCHKQT Cam Ranh bất ngờ có công văn thông báo: “Để đảm bảo phục vụ tốt hành khách đi lại bằng đường hàng không”, Công ty sẽ tổ chức bán vé taxi chặng Cam Ranh - Nha Trang từ ngày 1-9; đề nghị các đơn vị đã trúng thầu đến tiến hành đàm phán để ký kết hợp đồng nếu có nhu cầu.
Nếu phải tham gia “cuộc chơi” dịch vụ bán vé, liệu giá vé taxi từ sân bay Cam Ranh - Nha Trang có còn được giữ mức 380.000 đồng hay sẽ còn tăng cao?
Ngay sau khi nhận được công văn này, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Quốc Tế và Công ty Cổ phần Mai Linh NTB-TN đã có công văn phản hồi bày tỏ sự không đồng tình với việc làm của CTCHKQT Cam Ranh vì “trái với chủ trương của Tổng Công ty CHKMT”, không tạo thuận lợi thêm cho khách hàng và sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho các DN kinh doanh tại đây.
Được biết, cùng với việc gửi công văn, 2 hãng taxi: Mai Linh và Quốc Tế đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo CTCHKQT Cam Ranh và được cho biết, mức phí hợp đồng bán vé khoảng 15 triệu đồng/tháng. Việc bán vé sẽ do người của CTCHKQT Cam Ranh đảm nhận. Cả 2 hãng taxi: Mai Linh và Quốc Tế đều không chấp nhận điều này, bởi e ngại sự không minh bạch trong việc bán vé taxi. “Nếu việc bán vé là cần thiết và có lợi cho khách hàng thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận, nhưng việc bán vé phải do người của các hãng taxi đảm nhận. Thế nhưng, CTCHKQT Cam Ranh lại không chấp nhận điều này. Liệu nhân viên của CTCHKQT Cam Ranh có công bằng trong quá trình bán vé?”, ông Đào Thanh Tuấn bày tỏ. Ông Trần Thế Bình cũng tỏ ra rất bức xúc trước cách hành xử của CTCHKQT Cam Ranh. Theo ông Bình, việc tổ chức bán vé là không hợp lý, rất dễ dẫn đến sự không công bằng trong các hãng taxi vì người bán vé là nhân viên CTCHKQT Cam Ranh, không có sự giám sát của đại diện các hãng taxi, rất dễ dẫn đến việc các hãng taxi sẽ lén chi hoa hồng cho nhân viên bán vé để được bán vé nhiều hơn… “Việc đề nghị chúng tôi mỗi tháng bỏ ra khoảng 15 triệu đồng, nhưng không kiểm soát được liệu người bán vé có thực sự bán vé một cách đàng hoàng cho mình hay không khác nào bảo chúng tôi bỏ tiền ra mua vịt trời” - ông Bình bày tỏ.
Ông Lương Văn Thảnh cho biết, việc bán vé taxi tại CHKQT Cam Ranh là một trong các dịch vụ kinh doanh của Công ty nhằm đem lại nguồn thu cho đơn vị, đồng thời nhằm phục vụ tốt hơn cho khách đi lại bằng đường hàng không. Việc CHKQT Cam Ranh không cho người của các hãng taxi và khu vực bán vé là “để đảm bảo vấn đề an ninh”. Khi đặt vấn đề việc bán vé taxi sẽ thêm gánh nặng chi phí của DN và khách hàng sẽ là đối tượng phải gánh thêm chi phí này, ông Thảnh cho biết: “Các hãng taxi kinh doanh thì chúng tôi cũng kinh doanh, việc tham gia dịch vụ bán vé hay không là quyền của các hãng taxi; còn khi đã chấp nhận thuê chúng tôi bán vé, DN phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc đẩy chi phí ấy cho khách hàng gánh chịu, đó là chuyện của DN…”.
Với câu hỏi “Tổng Công ty CHKMT đã chỉ đạo chấm dứt việc bán vé taxi từ đầu tháng 8-2011, tại sao CTCHKQT Cam Ranh vẫn bán vé”, ông Thảnh cho biết: Việc bán vé là theo yêu cầu của khách hàng và Công ty đã xin phép Tổng Công ty CHKMT. Thế nhưng, khi chúng tôi xin phép được xem văn bản mà Tổng Công ty CHKMT cho phép CTCHKQT Cam Ranh bán vé trở lại thì ông Thảnh nói: “Chúng tôi chỉ trao đổi qua điện thoại chứ không có văn bản chính thức”?!
Câu chuyện bán vé taxi ở SBCR vẫn chưa có hồi kết. Đến bây giờ, cả 2 hãng taxi: Mai Linh và Quốc Tế vẫn chưa đồng ý với cách làm của CTCHKQT Cam Ranh. Trong khi đó, ngày 1-9, CTCHKQT Cam Ranh đã chính thức bán vé taxi trở lại khi hợp đồng với Hãng Aiport taxi. Không biết sự việc sẽ đi về đâu, nhưng đã có những hãng taxi đề nghị với CTCHKQT Cam Ranh cho phép tăng giá vé taxi thêm 20.000 đồng/vé nếu phải thực hiện việc bán vé. Xem ra, thiệt thòi nhất trong việc bán vé taxi chính là khách đi lại bằng đường hàng không!
Theo Báo Khánh Hòa