Cả tuần nay giới đầu tư bị hút toàn bộ sự chú ý vào biến động của thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Các ngân hàng nhỏ có vẻ ngày càng bị dồn đến chân tường để chờ đợi một điểm nổ về hoạt động tái cơ cấu. Khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, một số ít ngân hàng bộc lộ khó khăn thanh khoản tạm thời Ảnh: Hoàng Long
Đôn đáo lo thanh khoảnMột điểm rất bất cập trong công tác thông tin của Ngân hàng Nhà nước là những biến động của thị trường liên ngân hàng không được báo cáo công khai một cách kịp thời. Số liệu về lãi suất bình quân liên ngân hàng được công bố rất chậm khiến thị trường buộc phải tiếp cận từ những kênh không chính thức, vốn chỉ phản ánh được những mức lãi suất đột biến không mang tính đại diện.
Số liệu được trích dẫn từ báo chí cho biết, trong tuần có những thời điểm lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng vọt lên mức 30%-40%. Không rõ có ngân hàng nào chấp nhận vay ngắn hạn với mức lãi suất "khủng” như vậy hay không, nhưng nếu có, rõ ràng thanh khoản của những ngân hàng như vậy có vấn đề. Biến động tăng của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã âm ỉ từ lâu, khi Ngân hàng Nhà nước cào bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 1 tháng ở mức 14%/năm và kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm.
Lượng vốn huy động được trong tháng 9 đã giảm trên mặt bằng chung, nhưng sẽ là giảm rất mạnh ở những ngân hàng nhỏ. Khó khăn về thanh khoản bắt đầu bộc lộ ra trong khi lượng giấy tờ có giá mà những ngân hàng này sở hữu lại có giới hạn, khó tìm được đến kênh thị trường mở.
Số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước mới cập nhật đến ngày 18-10 cũng ghi nhận sự tăng vọt của các mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Lãi suất cho hai kỳ hạn này tương ứng 17,06%/năm và 20,73%/năm. Kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, chưa bao giờ hai kỳ hạn nói trên ghi nhận mức lãi suất cao như vậy.
Bản thân các mức lãi suất cho kỳ hạn ngắn hơn, như lãi suất qua đêm từ ngày 30-9 đến nay cũng tăng rất mạnh, từ ngưỡng 11,31%/năm lên 14,45%/năm. Việc chấp nhận vay với lãi suất rất cao trên thị trường liên ngân hàng chắc chắn phải xuất hiện ở những ngân hàng rơi vào tình thế bắt buộc. Nếu chỉ thuần túy vì giảm mức huy động vốn mới do bị chặn trần lãi suất, chưa hẳn các ngân hàng nhỏ đã phải "nghiến răng” đi vay nặng lãi như vậy. Biến động tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng cũng kéo dài từ đầu tháng 10 và liên tục những ngày gần đây chứ không phải chỉ là những giao dịch cá biệt trong một thời điểm. Rất có thể đã có ngân hàng không cân đối được nguồn vốn, lỡ cho vay quá nhiều và bị rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản.
Trong một thông điệp phát đi từ Ngân hàng Nhà nước ngày 18-10, cơ quan này cũng thừa nhận "Có một số ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng nhanh trong thời gian qua dẫn đến mất cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Do vậy, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP và siết chặt trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, một số ít ngân hàng bộc lộ khó khăn thanh khoản tạm thời”.
Để cháy nhà cho ra mặt...?Tình trạng thị trường liên ngân hàng sẽ nóng lên đã được dự báo ngay từ khi các chính sách mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước được ban hành và thực thi triệt để. Mặc dù lượng tiền bơm qua thị trường mở là khá dồi dào trong vài tuần qua, nhưng lợi thế lại thuộc về những ngân hàng lớn vì có thể cầm cố giấy tờ có giá. Các ngân hàng nhỏ không có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ kênh này và buộc phải chạy qua hai kênh còn lại là thị trường liên ngân hàng và cửa cuối cùng là xin tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Phải khẳng định rằng Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực và công cụ để hạ nhiệt thị trường lãi suất liên ngân hàng. Do đó những biến động gần đây có lẽ nằm trong dự tính và việc thực thi triệt để, quyết liệt các công cụ điều hành là một "phép thử” để biết chắc chắn những ngân hàng rơi vào tầm ngắn có rủi ro thanh khoản. Những nỗ lực né tránh việc tìm đến kênh tái cấp vốn không thể kéo dài khi thị trường liên ngân hàng liên tục ghi nhận những mức lãi suất "nóng bỏng tay” như vậy. Đó là chưa kể đến việc chính các ngân hàng lớn, đối tác cho vay chủ yếu trên thị trường này cũng dựa vào việc chào lãi suất cực cao như một rào cản kỹ thuật để hạn chế cho vay.
Thông điệp chính thức của Ngân hàng Nhà nước trước biến động của thị trường liên ngân hàng là đảm bảo có "các biện pháp hỗ trợ kịp thời các ngân hàng để xử lý thiếu hụt thanh khoản tạm thời, đảm bảo an toàn thanh khoản của toàn bộ hệ thống. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường quản lý và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn để bảo đảm thị trường tiền tệ hoạt động thông suốt, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như của cả hệ thống”. Việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong tuần này đã giúp hạ nhiệt thị trường liên ngân hàng.
Có lẽ phép thử đã đem lại kết quả. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cũng như các chuyên gia, tư vấn chính sách đều ủng hộ quá trình tái cơ cấu. Trước mắt kênh tái cấp vốn sẽ được sử dụng để đảm bảo thanh khoản cho những ngân hàng yếu và để đổi lại, những ngân hàng này sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc lại tài chính, nhất là ở các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao.
Trọng Nghĩa