“Không có chuyện tăng giá để bù đắp vào những lỗ lã đầu tư ngoài ngành như trường hợp EVN Telecom” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu quan điểm xung quanh đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn điện lực.Trước thông tin Tập đoàn điện lực (EVN) đề nghị tăng giá điện 13%, dư luận cho rằng việc này đi ngược lại chủ trương quyết liệt chống lạm phát của Chính phủ?
Tăng giá điện là chủ trương nhất quán, không có gì mâu thuẫn với quyết tâm kiềm chế lạm phát. Vấn đề là chọn thời điểm cho phù hợp chứ không thể để giá điện mãi như này được.
Nhưng trong bối cảnh đang khó khăn hiện nay, việc tăng giá điện rõ ràng có vẻ không phù hợp?
Rất nhiều người, nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ sẽ phải lựa chọn giải pháp sao cho hài hòa. Cái quan trọng nhất là làm sao thu hút được nguồn vốn để đầu tư vì tình trạng thiếu điện hiện nay cũng do thiếu nguồn đầu tư. Các nhà đầu tư không nhiệt mặn mà quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực này bởi chắc chắn chỉ có lỗ, ai còn muốn làm nữa.
Vấn đề này không chỉ có ở điện mà nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Ví dụ, phát triển hạ tầng giao thông, nếu không có cơ chế để giúp nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn, cứ thu 10.000đ/100 km thì ai dám đầu tư khi bỏ tiền vốn ra lớn như vậy mà thu về như thế
Vấn đề gốc nằm ở đây, làm sao phải giải quyết việc này mới huy động được nguồn lực để đầu tư, mới không thiếu nguồn. Cân đối hàng hóa nói chung phải vậy, không chỉ với điện.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: "Không có chuyện vài tháng tăng giá điện một lần" (ảnh: Việt Hưng).
Dư luận vẫn hi vọng có thể lùi thời điểm tăng giá điện lần này?Đã ai khẳng định thời điểm cho tăng giá như nào đâu mà nói chuyện lùi. Tôi đã nói phải chọn thời điểm thích hợp, xử lý hài hòa lợi ích chung của người dân, xã hội với doanh nghiệp để vừa giải quyết được tổng thể vừa đáp ứng yêu cầu chống lạm phát hiện nay. Cho tăng giá hay không, Chính phủ còn phải bàn.
Phó Thủ tướng từng nói đáng ra điện phải tăng giá 62% mới đúng thực tế nhưng lần mới đây chỉ tăng hơn 10%, để triển khai dần dần theo lộ trình. Tuy nhiên nếu cứ vài ba tháng lại đặt vấn đề tăng giá điện 1 lần cũng vẫn là áp lực nặng nề cho sản xuất, đời sống?
Đấy là một lộ trình lâu dài, đâu phải cứ vài ba tháng lại tăng. Từ lần tăng gần đây, tháng 3/2011 đến giờ không hề điều chỉnh thêm dù thực tế vẫn có biến động rất nhiều. Phải tùy vào bối cảnh tình hình để điều hành linh hoạt. Việc đó chính là thể hiện chủ trương ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, giải quyết vấn đề khó khăn của sản xuất và đời sống nên nhà nước không cho điều chỉnh tăng giá thêm.
Cá nhân Phó Thủ tướng có ủng hộ việc tăng giá lần này như đề nghị của EVN?Nhìn chung lộ trình phải như thế. Đó là quan điểm nhất quán từ trước đến nay. Chúng ta phải làm dần từng bước, sao để giá điện đi theo thị trường. Nhưng tình hình chung của Việt nam và quốc tế buộc chúng ta phải xem xét lộ trình này. Nếu thuận, ta đi bước ngắn, còn nếu không thuận lợi, nhiều khó khăn, phải đi bước dài hơn. Hay nói đúng hơn việc điều hành phải thích ứng với tình hình thực tiễn.
Việc tăng giá lần này, nếu có, có phải để “lấp” nợ cho EVN, ví dụ khoản nợ tới 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khi PVN?Hiện EVN đã hạch toán được hòa vốn đâu mà tính đến việc trả nợ. Việc đó phải giải quyết dần dần.
Dư luận hiện vẫn bức xúc vì trong khi lĩnh vực kinh doanh chính khó khăn như vậy nhưng EVN cũng như nhiều tập đoàn, TCty nhà nước khác vẫn đầu tư ngoài ngành. Khi kinh doanh ngoài ngành cũng thua lỗ, như trường hợp Cty viễn thông điện lực (EVN Telecom), giờ phải xử lý thế nào?
Phải rút vốn thôi. Tôi cũng khẳng định không có chuyện tăng giá để bù đắp vào những lỗ lã đầu tư ngoài ngành như thế. Chính phủ không bao giờ đồng ý.
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 20/10, Thủ tướng cũng đã cam kết là sẽ kiên quyết rút đầu tư ngoài ngành của các DNNN để tập trung vào ngành sản xuất chính. Sắp tới đây Chính phủ cũng sửa cơ chế theo hướng thắt chặt quản lý đầu tư của các đơn vị này hơn nhiều.
Cơ bản, từ năm 2009 đến nay Chính phủ không phê duyệt cho tập đoàn, TCty nào đầu tư thêm ra ngoài ngành nữa. Việc đầu tư “trái ngành” là từ giai đoạn trước, trong bối cảnh quyết định đầu tư ra ngoài cũng có nhiều lý do như có những lợi thế nhất định, có hạ tầng kết hợp để làm. Đến nay, khi thấy những việc đó thực sự không cần thiết, Chính phủ đang yêu cầu các đơn vị phải thu hồi lại vốn.
Nói rút vốn nhưng như trường hợp EVN Telecom, nhiều ý kiến cho rằng có bán cả thương hiệu đó vẫn chưa thu về đủ vốn đầu tư, việc rút vốn có khả dĩ?
Đã có phương án đâu mà khẳng định như thế. Phải xem xét, tính toán đã.
Theo: DanTri