Đoạn đường dài hơn 500 mét qua khu vực Diên Khánh đi Cam Ranh trong mấy chục năm nay đã trở thành con đường của những hàng bán bánh ướt, đến độ, trên các tấm bảng hiệu, hoặc địa chỉ gởi thư từ của người dân tại đây có thêm địa danh Khu bánh ướt.
Bánh ướt từ những hàng quán dưới đất đã lên bàn nhờ công của những người dân ở đây, trung thành với nghề, tạo thói quen ẩm thực cho khách du lịch trên tuyến đường Bắc Nam đều dừng lại thưởng thức món ăn chỉ có bột mà ngon đến lạ. Điều lạ nửa là những quán bánh ướt chỉ phục vụ cho người từ Nha Trang hoặc các huyện tới ăn là chính, còn người dân tại chỗ lại không ghé các quán du lịch này. Vì thế quán cũng thay đổi cách buôn bán theo kiểu thời @.
Cách đây trên 10 năm, dãy phố bánh ướt Diên Khánh mang cái hồn quê. Người đến ăn bánh ướt còn cảm được mùi trấu nung bếp, mùi hơi nước tỏa lên từ lò bánh, từ cái rộn ràng của đĩa xếp chồng lên nhau. Ẩm thực bánh ướt khi đó là chiếc bánh ăn đi kèm với cái hồn phố thị. Lúc đó, những tấm bảng giăng chỉ có mỗi chữ “bánh ướt 500 đồng/đĩa" chạy dài suốt con phố giống như lời mời gọi hấp dẫn. Vâng, quán chỉ bán bánh ướt. Khi khách hỏi, chủ quán kể cho nghe cái thuở bánh ướt còn bán bằng đĩa đã tráng sẵn, rồi có người nghĩ ra chuyện bánh ướt đĩa với hình thức mỗi chiếc bánh tráng xong được cắt làm bốn, thành bốn đĩa bánh, một phần tư chiếc bánh mỏng mang ấy được rắc lên ít nhân tôm hoặc nhân đậu xanh, thêm ít lá hành rồi dọn ra.
Bánh còn nóng, khách cuộn tròn lại, chấm ngập trong chén mắm nêm hay mắm thường bỏ vào miệng, có thể ăn kèm với một lát chả sản xuất tại Diên Khánh, cắn trái ớt sim, cắn miếng tỏi… là tận hưởng cảm giác ngon đến lạ. Khách ăn đĩa nào cứ xếp chồng đĩa đấy để chủ quán tính tiền. Khách vừa ăn còn vừa nhìn động tác bà chủ đang tráng bánh với những động tác vừa đủ không thừa thải. Cô con gái phụ chuyền bánh lên bàn cho khách, để bánh vẫn đảm bảo độ nóng. Khách ra về, nồi nước vẫn sôi sùng sục như lò vẫn đang hoạt động. Khách bị quyến rũ khi bước vào quán cũng từ nồi nước sôi đang đợi tráng bánh ấy. Nhất là vào những ngày đông gió rét hoặc những buổi sáng trời mưa, bước vào quán bánh ướt ở phố bánh ướt còn là hưởng cái ấm từ lòng bánh truyền vào, là cảm nhận của cái nóng của chiếc bánh mỏng tan trong miệng như chia bớt đi cái giá lạnh và khơi niềm vui cho ngày mưa buồn.
Nhưng đó là ngày xưa, là xa lắc. Phố bánh ướt Diên Khánh giờ đây vẫn còn đó, vẫn nằm bên dòng đời xuôi ngược, dõi theo những chuyến xe lớn nhỏ xuôi Bắc Nam đi ngang qua. Khách đôi khi vẫn ghé vào quán để thưởng thức chiếc bánh ướt nóng ăn tính đĩa là cái rất riêng của miền đất Diên Khánh. Nhưng ghé vào lại mang cái cảm gíac mất mất chút gì đó của ngày cũ.
Nhưng tấm bảng bánh ướt giờ đây đã phải chua thêm những dòng chữ khác: Phở, Cơm phần, Cơm đĩa… vì chỉ bán bánh ướt không không đủ sinh tồn. Quán bánh ướt đã trở thành quán bán đủ loại thức ăn dù cái lò bánh ướt cũng còn đó.
Và ngậm ngùi thay cho công nghệ làm bánh ướt bây giờ, nó trở thành một quy trình sản xuất giống như công nghiệp, khiến cho miếng ăn đã mất đi cái hồn vốn có.
Bếp lò bánh ướt bây giờ đơn giản lắm. Là một chiếc nồi nhôm cạn đáy, giăng lên trên một tấm vải mỏng. Bên dưới bếp là bình gas. Khách vào quán, bà chủ mới đổ một ít nước vào nồi, vặn gas lên, chỉ dăm phút là nước bắt đầu sôi. Khi đó mới đổ bột tráng bánh. Chiếc bánh ướt giờ đây không mang hồn củi lửa mà trộn mùi gas công nghiệp. Có nhiều quán lại nghĩ ra chuyện bánh ướt ăn với rau sống như cách thu hút khách, trong khi bánh ướt thường ăn kèm với giá.
Vẫn là chiếc bánh ướt của phố bánh ướt. Nhưng chiếc bánh ướt chỉ đổ bằng gas và lò chỉ nổi lửa khi có khách tới. Chiếc bánh ướt hôm nay như mang nỗi chông chênh của thời @ mà người ăn cứ muốn giữ cái hồn truyền thống khi đến con phố bánh ướt này.
Bài và ảnh: Khuê Việt Trường