Cách Nha Trang về hướng nam 11 cây số, trên đường 23/10 ngay ngã ba nối liền với Cải lộ tuyến đi hướng bắc có một cây dầu đôi cổ thụ. Cây bị cưa nhiều nhánh, trong tình trạng ra ít lá, cao 30m và cành xòe tán 15m. Đây là cây dầu đôi gắn liền với lịch sử tỉnh Khánh Hòa và cũng có nhiều truyền thuyết về nó. Lịch sửTheo nhiều người thì cây dầu đôi (cây có hai nhánh từ gốc mọc lên) nằm trên con đường Thiên Lý kia là cây dầu lớn nhất trong cánh rừng đại ngàn ngày xưa ở khu vực Diên Khánh, Khánh Hòa này. Vào thế kỷ thứ 19, khi đó dân cư nơi này rất thưa thớt, con đường từ Nha Trang lên thành chỉ là con đường đất nhỏ, chủ yếu phục vụ cho xe ngựa và người đi bộ. Vì thế cánh rừng trên vẫn còn rất nhiều cây cối. Cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc mở con đường từ Nha Trang đi thành tiến hành và dân cư bắt đầu phát triển khi cánh rừng kia lần lượt biến thành khu dân cư và đồng ruộng. Cây dầu đôi khi ấy nằm ở bên trong vệ đường, cành lá phát tán xum xuê tươi tốt được giữ lại như biểu trưng của một vùng đất.
Xác định niên đại cảu cây dầu đôi bằng khoa học thì chưa ai làm. Nhưng theo dẫn chứng của lịch sử thì vào năm 1793, thành Diên Khánh bắt đầu được xây dựng thì cây dầu đã có mặt. Chuyện tiếp theo là vào mùa xuân năm Quý Tỵ (1653) chúa Nguyễn Phúc Tần ra lệnh cho cai cơ Hùng Ngọc Hầu tiến hành mở mang bờ cõi từ đèo Cả vào đến bờ Bắc sông Phan Rang. Trong quá trình mơ cõi ấy, khi đến Khánh Hòa, giữa cánh rừng, cây dầu đôi cao lớn khác thường nổi bật đã được giữ lại và ở lại cho đến bây giờ.
Cũng từ đó, cây dầu đôi được gắn liền với huyền thoại. Người ta cho rằng nguyên đây là cây dầu một nhánh, nhưng có một đêm mưa sấm chớp đã đánh trúng cây dầu khiến chúng tẻ thành hai nhánh như bây giờ. Tuy nhiên, nhiều lần đến cây dầu đôi quan sát chúng tôi nhận thấy cây dầu lớn lên tự nhiên, đây là cây dầu có hai nhánh chẻ ra tự nhiên chứ không hề có tác động từ bên ngoài.
Với tầm mắt nhìn, người ta có thể nhìn thấy cây dầu đôi này từ rất xa, khi nhìn thấy cây dầu đôi ta cảm giác như khi đi xa ta được trở về nhà. Nhờ bóng mát của cây dầu đôi, bao quanh nơi này trở thành một khu buôn bán hàng ăn sầm uất. Cây dầu đôi còn là một điểm tham quan của du khách trước khi đến thành cổ hay thăm các ngôi chùa cổ trong vùng. Đối với người dân quanh vùng, cây dầu đôi rất linh thiêng, cho nên họ đặt am thờ dưới gốc, khấn bái cầu nguyện. Đặc biệt, trên thân cây, ở độ tầm cao hơn một mét có nốt bứu cây. Trên cây dầu có nhiều cây tầm gửi sống bám.
Câu chuyện Trịnh Phong Câu chuyện cây dầu đôi còn gắn liền với vị chiến sĩ yêu nước chống Pháp. Đó là Trịnh Phong. Bên cạnh cây dầu đôi có Miếu Trịnh Phong.
Miếu Trịnh Phong không to, bị nhiều hộ dân chen lấn nên rất chật chội, đã liên tiếp nhiều lần trùng tu. Miếu được xây dựng vào thập niên 90 của thế kỷ 14. Cửa miếu thay vì xoay ra con lộ lại xoay về hướng Bắc. Lúc đầu miếu thờ thần, cho đến sau khi xử chém Bình Tây đại tướng Trịnh Phong, Pháp treo đầu ông lên cây dầu đôi để thị uy, người dân đã đổi thành Miếu Trịnh Phong và thờ cúng ông. Miếu thờ Trịnh Phong cùng cây dầu đôi đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991. Hiện miếu còn lưu hai đạo sắc của các vua Thành Thái và Khải Định phong tặng. Mỗi năm, vào ngày 16/3 (Âm lịch), tại Miếu đã làm lễ cúng trọng thể tưởng nhớ đến vị anh hùng.
Trịnh Phong quê ở Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương (tháng 8-1885) thì ông đang là một vị quan của triều đình đóng ở thành Diên Khánh. Ông đã chiêu binh chống PHáp dưới ngọn cờ “Bình Tây đại tướng” và đã quy tụ được nhiều nhân tài.
Đầu tháng 8-1886, Pháp do đại úy Lhermitte chỉ huy với các loại vũ khí hạng nặng như sơn pháo 80, đội quân đánh thuê hơn 300 tên, bằng đường bộ và đường thủy tiến ra đánh Khánh Hòa nhằm tiêu diệt lực lượng yêu nước. Sau khi thành Diên Khánh bị thất thủ, Trịnh Phong đã rút binh lên núi Hèo tiếp tục kháng chiến. Nhưng lực lượng ngày càng yếu, cuối tháng 8-1886 Trịnh Phong bị Pháp bắt, xử trảm ông tại Hòn Khói (11-9-1886). Phần mộ của Trịnh Phong được đặt ngay trong khuôn viên của dòng họ tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang.
Bao cuộc bể dâuTrải qua bao cuộc bể dâu như người xưa nói “Tang điền biến vi thương hải” là không có gì vĩnh cữu với thời gian. Cây dầu đôi còn sót lại giữa cánh rừng đại ngàn kia mặc bao nhiêu biến cố.
Nhớ vào năm 2000, khi con đường 23/10 từ Nha Trang đi thành mở rộng cho sáu làn xe, Cây dầu đôi bị nằm trong khu vực phải “di dời” để mở đường. Số phận của cây dầu lịch sử được đem ra bàn cãi, rốt cuộc là quyết định giữ cây lại, còn con đường có cong veo một tí không sao. Vì thế, khi đi ngang cây dầu đôi như hiện nay, ta thấy cây dâu nằm ở bên vệ đường, có kè chắn lại, bao quanh là con đường nhựa với khối nhựa nóng hàng ngày hút ánh nắng mặt trời làm cho rễ cây oằn mình gánh chịu.
Sau cuộc mở đường, Khánh Hòa tổ chức kỷ niệm 350 năm (2003) thì cây dầu đôi mỗi ngày mỗi xuất hiện những cành khô, tỉnh giao cho công ty Môi trường Đô thị tỉnh ra phương pháp cứu chữa. Vào thời thời điểm này, kinh phí 30 triệu đồng để “trị bệnh” cho cây dầu đôi cổ thụ là khoảng tiền lớn.
Cách chữa trị là khoan những hố quanh cây dầu, bơm các chất kích thích phát triển rễ để tránh rễ cây bị chết do ảnh hưởng sức nóng từ lớp bê tông nhựa và phục hồi lại số rễ đã bị chặt đi trong quá trình mở đường và đào đất để đặt cáp ngầm, dây điện. Riêng phần thân cây, cũng dùng thuốc để bảo vệ cây bị sâu bọ đục phá, cưa lại các nhánh cây cưa sai phương pháp, dùng hóa chất bôi lên những “vết thương” của cây để tránh bị thối rữa do đọng nước mưa. Bơm các hóa chất kích thích lên các tán cây để phát triển hệ thống lá của cây dầu đôi.
Điều buồn cười là cũng vào thời điểm trên. Do lo sợ cây dầu đôi bị chết, công ty Môi trường Đô thị đã tìm một cây dầu đôi con trồng dự phòng cách cây dầu đôi lịch sử khoảng 15m. Tuy nhiên, do nhiều ý kiến phản đối, sau đó cây dầu đôi… ăn theo này đã bị nhổ bỏ.
Giờ đây, qua bao thăng trầm của cuộc sống, dẫu không còn xum xuê cành lá như thời trai tráng, cây dầu đôi già hơn 200 tuổi vẫn vươn xanh, nổi bật giữa trời trên con đường cửa ngõ từ phía Nam vào Nha Trang.