TT - Câu chuyện ông Võ Văn Vi trong hơn một tháng lập 37 doanh nghiệp với số vốn đăng ký lên đến 6.606 tỉ đồng đã khiến nhiều người giật mình tự hỏi đâu là năng lực thật sự của đối tác đằng sau số vốn đăng ký khổng lồ?Làm thủ tục tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch & đầu tư TP.HCM - Ảnh: H.T.VÂN
Việc buông lỏng hậu kiểm trong khi quy trình “khai sinh” doanh nghiệp ngày càng thoáng dẫn đến số vụ kiện tụng do tranh chấp trong kinh doanh những năm gần đây tăng đến mức báo động. Đáng nói, phần lớn trường hợp dù thắng kiện vẫn không có khả năng đòi lại tiền do đối tác không có khả năng trả nợ.
Mua hàng rồi quỵt tiền
Ông Phan Văn Sơn, phụ trách bộ phận pháp chế Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An, cho biết từ ngày 3-4 đến 26-4-2008 công ty này đã ký hai hợp đồng bán gần 5.300 tấn phân đạm và phân urê với Công ty Tấn Long (TP.HCM). Công ty đã giao hàng thành hai đợt, tổng giá trị 37,2 tỉ đồng nhưng Công ty Tấn Long mới chỉ thanh toán hơn 35 tỉ đồng, còn nợ hơn 1,9 tỉ đồng.
Số nợ này Công ty Tấn Long thừa nhận nhưng viện lý do thua lỗ, không còn khả năng chi trả. Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An phát đơn kiện ra Tòa án nhân dân quận Thủ Đức và được xử thắng kiện. Tòa cũng yêu cầu Công ty Tấn Long thanh toán hơn 1,9 tỉ đồng tiền hàng còn thiếu và hơn 618 triệu đồng là số tiền lãi do chậm trả, tổng cộng gần 2,6 tỉ đồng. Thế nhưng hơn hai năm kể từ thời điểm có hiệu lực (1-9-2009) bản án không thi hành được vì Công ty Tấn Long không có khả năng trả nợ.
Theo ông Sơn, hai bên làm ăn đã 3-4 năm, phía đối tác luôn tạo lòng tin bằng cách thanh toán đầy đủ, đúng hẹn. Khi sự việc xảy ra, phía Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An cất công tìm hiểu mới biết Công ty Tấn Long nợ hàng loạt đối tác, ngân hàng. Chưa kể tài sản của công ty gồm xe tải, đầu kéo...đều đã thế chấp hết.
Mới đây cơ quan thi hành án đã trả lại đơn cho Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An vì đánh giá không có khả năng thi hành. Còn Công ty Tấn Long sau đó thành lập doanh nghiệp mới là Thiên Long Phát nằm bên cạnh công ty cũ.
Trường hợp Công ty xuất nhập khẩu Vinamex, “nạn nhân” lại là bên mua. Ông Lê Ngọc Hùng, giám đốc công ty, cho biết Công ty xuất nhập khẩu Vinamex đã ký hợp đồng mua 28,5 tấn cà phê của Công ty Bảo Châu trị giá hơn 1,795 tỉ đồng.
Theo thỏa thuận, Công ty Bảo Châu sẽ giao hàng bốn đợt, nếu vi phạm sẽ phải hoàn trả tiền cọc và chịu phạt 20% giá trị hợp đồng. Sau đó, Công ty Vinamex đặt cọc 860 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nhận được tiền cọc, Công ty Bảo Châu “xù” luôn hợp đồng, không giao hàng và cũng không chịu trả lại tiền cọc.
Phía Vinamex phát đơn kiện và Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên thắng kiện theo bản án ngày 13-4-2009. Thế nhưng hơn hai năm sau khi bản án có hiệu lực, dù đã gõ cửa nhiều nơi nhưng Vinamex cũng chưa lấy lại được tiền.
Hàng loạt chiêu đối phóÔng Nguyễn Công Phú - thẩm phán, phó chánh án Tòa kinh tế TP.HCM - cho biết gần đây tình trạng các thành viên góp vốn lôi nhau ra tòa rất phổ biến. Khi đó, việc công ty đăng ký vốn lớn nhưng không góp đủ mới lòi ra. Rất nhiều trường hợp thành viên góp vốn không biết giám đốc sử dụng vốn của công ty làm gì, làm ăn ra sao, vì sao không chia lãi.
Cuối năm 2010, Tòa án nhân dân TP.HCM xử một vụ tranh chấp giữa các thành viên trong công ty. Theo đó, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc nhận góp vốn nhưng suốt hai năm không phân chia lợi nhuận, sau đó tự ý cho công ty ngưng hoạt động, không báo cáo thuế và có hành vi sử dụng vốn trái phép.
“Mục đích chính của nguyên đơn là yêu cầu lãnh đạo công ty phải công khai sổ sách kế toán. Tuy nhiên khi ra tòa, lãnh đạo công ty trả lời sổ sách đã giao hết cho kế toán cũ. Người này đã nghỉ việc nên sổ sách cũng bị thất lạc. Do không có sổ sách nên tòa cũng không có cơ sở để xem xét” - ông Phú cho biết.
Theo ông Hoàng Văn Sơn - trưởng văn phòng luật sư VNC, quy định về góp vốn hiện nay quá thoáng khiến tình trạng “vốn ảo” bùng phát. Nhiều khách hàng đăng ký vốn vài chục tỉ, hoặc tăng vốn lên hàng trăm tỉ nhưng là... vốn trên giấy, số thực góp không bao nhiêu. Thực tế trên rất đáng lo ngại vì những doanh nghiệp có “vốn ảo” này vẫn ký kết các hợp đồng giao dịch với đối tác. Khi xảy ra tranh chấp, các đối tác thường không được bồi hoàn dù tòa xử thắng kiện.
Ông Sơn cho biết thời gian gần đây yêu cầu khởi kiện đòi nợ đối tác tăng hẳn. Phần lớn họ đều thắng kiện nhưng không thi hành được vì khi giám định tài sản của bị đơn bằng 0.
Phải tự bảo vệ mìnhÔng Phạm Xuân Thọ - trưởng văn phòng công chứng Trung Tâm, nguyên thẩm phán, chánh tòa kinh tế Tòa án nhân dân TP.HCM - cho rằng doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra năng lực đối tác trước khi ký kết hợp đồng. Đừng nghĩ vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện năng lực tài chính vì đó chỉ là số vốn mà doanh nghiệp cam kết góp. Còn sau đó họ có góp hay không, hoặc đã góp rồi nhưng số vốn đó có còn hay không lại là chuyện khác. Để giảm thiểu rủi ro cho mình, trước khi tiến hành giao dịch doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ đối tác. Nếu thấy đối tác đủ tin tưởng hãy làm ăn, nếu không phải áp dụng các biện pháp bảo đảm.
ÁNH HỒNG