(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài cộng với thủy điện sông Tranh xả lũ với tốc độ 4000m3/s trong 4 ngày qua đã khiến rốn lũ Hội An (Quảng Nam) chìm trong biển nước.Mức lũ tại Hội An đã đạt đỉnh khi trời ngớt mưa ở mức ngập 2,9m, cao hơn gần 1 mét so với mức báo động 3 (mức báo động cao nhất), và chỉ kém đỉnh lũ năm 2009 chưa đầy 0,5 mét.
Hàng chục ngàn hộ dân tại Cẩm Kim, Cẩm Nam, An Hội, Minh An… (Hội An) chìm trong biển nước. Phương tiện đi lại trong khu vực trung tâm phố cổ tính đến chiều 8/11 chủ yếu vẫn là ghe đò.
Theo ghi nhận, nước lũ bắt đầu tấn công đô thị cổ Hội An từ chiều tối 7/11 và mực nước dâng cao rất nhanh trong thời gian ngắn. Nguyên nhân nước lũ dân cao theo lãnh đạo địa phương cho biết, do mưa lớn kéo dài cộng với việc thủy điện sông Tranh xả lũ với tốc độ 4000m3/s khiến nước từ thượng nguồn trút xuống vùng rốn lũ.
Tuy nhiên, khác với tình thể bị động do thủy điện xả lũ bất ngờ trong năm 2009; trong đợt lũ này, việc thủy điện xả lũ đã được thông báo trước nhiều ngày giúp các địa phương chủ động ứng phó
Ngay trong đêm, UBND TP. đã tổ chức tàu thuyền cứu hộ, sơ tán hơn 300 hộ dân thuộc xã Cẩm Kim (Hội An), thuộc vùng thấp lũ nhất trên địa bàn. Phương án sơ tán chủ yếu vẫn là di dời cục bộ, di chuyển người từ các hộ tạm bợ, thấp mái sang các hộ dân có nhà cửa kiên cố hơn trong khu vực.
Đối với khu nhà cổ trong khu vực trung tâm TP, Trung tâm bảo tồn và quản lý di tích Hội An ngay từ đầu mùa mưa đã chủ động phương tiện đã thống kê, hỗ trợ trang thiết bị chèn chống cho 35 nhà cổ thuộc phường Minh An đang đứng trước nguy xuống cấp. Đồng thời, bố trí phương tiện sẵn sàng ứng cứu, sơ tán người dân thường trú trong các hộ trên khi xảy ra tình thế nguy hiểm.
Theo đội tàu cứu hộ của phường Minh An (Hội An) vào các vùng ngập nặng (sâu trên 2 mét) trên các tuyến Lê lợi, Trần Phú, Bạch Đằng, 2 khối phố Đồng Hiệp và An Hội nằm ở bờ kia sông Hoài, nước ngập trắng xóa một vùng, hầu hết ngập hẳn mái tầng 1 của các hộ dân. Tuy nhiên, người dân tại đây tỏ ra khá bình tĩnh. Chị Nguyễn Thị phương, người dân trú tại đường Bạch Đằng, cho biết: “Khu vực này, hễ có lụt là dính. Đã quen sống trong vùng rốn lũ nên cũng có kinh nghiệm. Thấy nước lớn là cả nhà ôm đồ chạy lên tầng trên. Chừ khó khăn nhất là đi lại, ra vào vùng lụt để mua thức ăn, nước uống cho cả nhà sống chung với lũ”.
Nước lũ dâng cao ngay thời điểm Hội An đang đợt cao điểm đón khách du lịch quốc tế. Nhiều du khách lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng này tỏ ra rất háo hức muốn đi vào vùng sâu xem lũ. Ngành du lịch Hội An cũng đã nghỉ đến dịch vụ du lịch mùa lũ, tập trung tổ chức cho du khách đi ghe thuyền vào vùng ngập lũ án toàn. Tuy nhiên, sáng kiến kinh doanh này vẫn chưa được phê duyệt. Và đến thời điểm này, chính quyền vẫn nghiêm cấm việc tổ chức đưa du khách vào vùng ngập lũ để tham quan.
Ông Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Minh An (Hội An) cho biết, từ rạng sáng đến quá trưa 8/11, đội cứu hộ của phường đã tổ chức hàng chục chuyến sơ tán người dân ra khỏi vũng ngập nặng, giúp dân di chuyển sang các hộ kiên cố, an toàn hơn cũng như ra khỏi vùng lũ mua sắm nhu yếu phẩm chi gia đình. Đặc biệt, sáng cùng ngày, đội cứu hộ của phường đã tổ chức sơ tán hàng chục du khách nước ngoài đang trọ tại khách sạn An Hội bên kia bờ sông Hoài ra khỏi vùng lũ an toàn để tiếp tục hành trình”
Trao đổi với PV Dân trí, một nữ du khách người Úc đang trọ tại khách sạn An Hội được giúp ra khỏi vùng ngập lũ chia sẻ: “khi thấy nước ngập vào tầng trệt khách sạn, tôi có chút hoảng hốt. Nhưng tôi đã được trấn an, nghỉ ngơi an toàn ở tầng trên của ngôi nhà. Tôi hoàn toàn có thể ở lại khách sạn cho đến khi mọi thứ bình thường trở lại mà không có trở ngại nào quá lớn. Tuy nhiên, tôi và gia đình đã có lịch bay hôm nay nên phải nhờ đến phương tiện cứu hộ đưa ra khỏi vùng lũ”.
Chiều 8/11, tại Hội An, lũ bắt đầu rút chậm. Dưới đây là những hình ảnh PV Dân trí ghi nhận tại vùng rốn lũ Hội An (Quảng nam) trong ngày 8/11.