Hiện nay, vịnh Nha Trang đang phải chịu đựng khi nhiều cống xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông, biển. Nhiều nhà khoa học lo lắng vịnh Nha Trang sẽ bị mất cân bằng sinh thái, đặc biệt gần đây có hiện tượng “thuỷ triều xanh”, bốc mùi hôi thối khó chịu.Xả chất bẩn ra biểnCống xả thẳng ra vịnh Nha Trang, đoạn đường Phạm Văn Đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang, chủ tịch uỷ ban quốc gia về Hải dương học của Việt Nam cho biết, từ năm 1978 về định cư Nha Trang, mỗi buổi sáng, ông đều tắm biển Nha Trang. “Hiện nay, số người ra biển ngày càng đông, lượng rác trong nước biển ngày càng nhiều, nước biển ngày càng đục hơn”, ông An nói. Kết quả phân tích nước biển của viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, vi sinh vật hữu cơ ngày càng tăng.
Qua khảo sát dọc đại lộ Phạm Văn Đồng, chạy dọc bờ biển Nha Trang, ai cũng dễ bắt gặp mùi khó chịu do hàng loạt cống thoát nước có đường kính từ 0,8m – 2m, “đua nhau” xả nước thải chưa qua xử lý ra biển. Chỉ riêng đoạn từ Hòn Chồng đến Ba Làng dài hơn 1km đã có ba, bốn cống xả, riêng hệ thống cống đoạn ngã ba Đặng Tất, Phạm Văn Đồng trước khi chảy thẳng ra biển, nước thải đã tạo thành một hồ nước sâu đen ngòm.
Thực tế cho thấy, trừ một số bệnh viện, khách sạn lớn có xử lý nước thải nội bộ, còn lại những hệ thống cống vẫn thải nước đen ngòm ra biển. Đó là nước thải từ các cơ sở sản xuất và một số hộ đấu nối trực tiếp vào hệ thống cống thu gom, đặc biệt, ở các hộ nhà sàn trên sông, tất cả chất thải đều đổ xuống sông rồi ra biển.
Ông Nguyễn Văn Đàm, trưởng phòng kỹ thuật công ty Cấp thoát nước tỉnh Khánh Hoà cho biết, hiện nay, hầu như tất cả nước thải đều chảy ra biển, trong đó những cửa xả dọc đường Phạm Văn Đồng là gây bức xúc cho người dân nhất, phần lớn nước thải còn lại đều xả ra các sông Tắc và sông Quán Trường.
Hiện tượng thuỷ triều xanhVịnh Nha Trang, hình mẫu tự nhiên hiếm có
Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt khu vực Hòn Mun của vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới. (Theo Wikipedia)
Tiến sĩ Lê Như Hậu, trưởng phòng Vật liệu hữu cơ từ tài nguyên biển, viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang cho rằng, có quá nhiều chất thải hữu cơ, nên sẽ làm cho lượng hữu cơ trong nước biển tăng vọt, nhất là hiện tượng ưu dưỡng, gần đây có hiện tượng “thuỷ triều xanh”, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Nguyên nhân do khoảng tháng 4 đến tháng 6 khi vào mùa hạn, lượng nước mưa ít, lượng hữu cơ đậm đặc hơn, cùng với các điều kiện thuận lợi cho một số loại rong lục phát triển mạnh, sau đó rong chết. Bị nặng nhất là dọc đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần danh thắng Hòn Chồng. Ưu dưỡng làm một số loài rong biển thích hợp phát triển mạnh, tranh oxy của các loài thực vật khác, gây mất cân bằng sinh thái ven bờ.
“Tôi nghĩ để ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm rác thải không xử lý sẽ có đến một ngày không còn ai đến tắm. Trước đây, có nhiều du khách biết thông báo có nhiều vi sinh vật nên họ ra các đảo xa để tắm. Bây giờ tắm biển ven bờ chủ yếu dân địa phương”, tiến sĩ An lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Nha Trang thừa nhận, do cống thải trực tiếp ra biển có mùi khó chịu, màu sắc nước biển thay đổi, dẫn đến việc tắm của du khách bị ảnh hưởng. Từ năm 2007, dự án Vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang với vốn vay phần lớn từ ngân hàng Thế giới để thu gom, xử lý nước thải, đến nay, nhiều tuyến cống đã được lắp đặt nhưng sau đó nước thải đổ ra sông, rồi ra vịnh vẫn chưa được xử lý. Theo bà Lý Ngọc Dung, giám đốc ban quản lý dự án này cho biết, do thiếu vốn, các hạng mục ở phía bắc như: nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm, các tuyến cống thu gom, cống bao, cống dẫn nước thải đều bị ngưng đầu tư.
Theo Lê Anh
Sài Gòn Tiếp thị